Ca khúc viết về Huế trong âm nhạc Việt Nam

admin May 28, 2017 Views 1390

Kể từ khi nền tân nhạc Việt Nam ra đời, các ca khúc viết về Huế đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo, bản sắc riêng cho nền âm nhạc xứ thần kinh, qua đó đóng góp một tiếng nói quan trọng trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Huế là thành phố nằm ven biển Đông, là thành phố miền Trung nằm giữa hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Đến thăm Huế, đi dạo trên đường phượng bay ẩn mình dưới những bóng cây chạy dọc suốt ven bờ sông Hương, từ Ga Huế đến Đập Đá, con đường có những ngôi trường từng nổi tiếng một thời với tà áo trắng thướt tha của nữ sinh Đồng Khánh xưa kia, được ngắm nhìn những vành nón nghiêng che và nụ cười thiếu nữ e ấp từ mọi nẻo đường của Huế đổ về, du khách mới thấy hết vẻ đẹp của mảnh đất Cố Đô này.

Bên cạnh tà áo dài trắng, Huế còn đặc trưng bởi màu tím thủy chung – sự dung hòa với màu ráng chiều và màu áo dài – biểu tượng cho sự tinh tế và trang nhã. Phụ nữ Huế mặc áo dài tím trong những dịp giao tiếp, gặp gỡ mà có thời còn được chọn làm màu đồng phục của nữ sinh. Đến Huế, du khách được có thể chiêm ngưỡng được cảnh đẹp của núi Ngự Bình sâu nghĩa, của dòng Hương nặng tình. Để rồi đâu đó bất chợt gặp một hình bóng dòng Hương thướt tha e ấp nghiêng che núi Ngự vào lòng mỉm cười đón chào quý khách.

Những cơn mưa dai dẳng đã để lại trong lòng người biết bao cảm xúc. Kẻ tha phương thì nhớ, người trụ lại thì thương. Nhìn mưa rơi trên sông Hương với biết bao tình cảm mến thương về Huế hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Đường vào Đại Nội kết đầy những lá phượng mỏng dính, chỉ chực búng tách một cái, thế là tan vỡ cùng cơn mưa. Dòng Hương vẫn nhẹ nhàng trôi, dịu dàng như mặt lụa êm dịu chiều lòng. Ánh mắt ai thân thương, ấp e sau chiếc nón Huế. Chợt yêu quá một buổi chiều.Yêu cái màu xanh của thôn Vĩ, cái nâu thầm lặng của màu đất, núi Ngự, bến Văn Lâu. Và yêu lắm cái màu tím thủy chung son sắt, chở đầy những cơn mưa Huế qua bao tháng ngày.

Giữa cuộc sống hối hả và tấp nập của ngày hôm nay, Huế là thành phố duy nhất vẫn còn giữ nguyên những vẻ đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn năm xưa của quê hương đất Việt. Không biết đã có biết bao nhiêu bài hát đã được viết về Huế và bao nhiêu bài thơ ca ngợi vẻ đẹp nơi này. Ai đã nhiều lần ghé thăm Việt Nam, chắc hẳn đã từng ghé chân qua Huế. Và chắc chắn đều gật đầu tán thành Huế quả là đẹp và thơ mộng lắm. Nếu du khách đã từng đến Việt Nam nhưng chưa bao giờ ghé thăm Hà Nội thì họ chưa thực sự đến Việt Nam. Nhưng nếu họ đã thực sự đến Việt Nam mà chưa một lần đặt chân tới Huế thì có nghĩa là họ đã bỏ qua một nửa của nền văn hóa Việt Nam.

Nhưng có những người đã đến và trở lại với tâm hồn tan nát khi ngỡ đã quên, tưởng rồi ký ức sẽ mãi phai phôi theo một bóng hình người thương đã xa mãi mãi. Ấy thế mà nay bước trên từng con ngõ thân quen nơi đất cố đô trầm mặc một chiều mùa hạ, mưa lại rơi trên những bước đầu, người lại buồn nỗi nhớ thương sầu, nghe trong những sợi nắng, hạt mưa văng vẳng đâu đó tiếng người thuở trước, có phải là em? Huế hỡi? Xưa em nói chỉ yêu màu hoa tím, Sao trả về hồn hoa trắng tang thương? Huế vắng em lạnh lẽo những ngả đường, Anh cô lẻ bước đi buồn vô vọng.

Chỉ riêng hình ảnh cô ca sĩ ca Huế trên sông Hương cũng đã có không biết bao nhiêu bài thơ hay. Bài thơ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” của nhạc sĩ – nhà thơ – họa sĩ tài danh Văn Cao là một trong những bài thơ đặc sắc viết về Huế và ca Huế trên sông Hương. Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923 ở Hải Phòng, mất ngày 10/7/1995 tại Hà Nội. Tuổi trẻ của ông theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tự học âm nhạc, sáng tác nhạc và viết văn làm thơ từ rất sớm. Năm 1940, lúc chưa tới tuổi hai mươi, ông có chuyến đi vào Huế. Chuyến đi đã để lại dấu vết sâu đậm trong các sáng tác quan trọng của đời ông. Bài thơ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” ông sáng tác vào dịp này. Ngoài bài thơ, ông viết bản nhạc “Sông Hương”. Cả những bài hát nổi tiếng, đỉnh cao trong dòng nhạc lãng mạn Việt Nam như “Thiên Thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi”… viết trong những năm từ 1941 đến 1943 của ông có nguồn gốc cảm hứng từ thành quách, sông nước, con người Huế trong đợt đi quan trọng ấy.

Categories