Dòng nhạc vàng của âm nhạc Việt Nam

Nhạc Vàng là tên gọi của dòng tân nhạc Việt Nam ra đời trong thập niên 1960, với lời ca trữ tình bình dân được viết trên những giai điệu nhẹ nhàng như bolero, rumba, ballade.

admin June 6, 2017 Views 1709

Nhạc Vàng là tên gọi của dòng tân nhạc Việt Nam ra đời trong thập niên 1960, với lời ca trữ tình bình dân được viết trên những giai điệu nhẹ nhàng như bolero, rumba, ballade.
nhạc này là lời ca giản dị, câu nhạc dễ nghe, chất chứa nỗi niềm của những cá nhân bình thường. Từ trước 1963, các nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Lam Phương đã soạn những bài hát như Gạo Trắng Trang Thanh, Chiều Hành Quân…Nhưng phải tới sau năm này, khi nền Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam bắt đầu, thì các bài hát về Tình và Lính mới trở nên thực sự phổ biến. Đây cũng là hai đề tài chủ yếu của Nhạc Vàng.

Hoàng Thi Thơ là một nhạc sĩ thành công trong nhiều lĩnh vực. Ông từng là trưởng đoàn nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa đi trình diễn ở một số nước. Trên lĩnh vực sáng tác ông viết nhiều bài nhạc với âm hưởng dân tộc như Trăng Rụng Xuống Cầu, Rước Tình Về Quê Hương, Tình Ca Trên Lúa, Đám Cưới Trên Đường Quê, các bài nhạc tình cảm như Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi, Đường Xưa Lối Cũ.

Trong nền âm nhạc Việt Nam, có lẽ hiếm nhạc sĩ nào có phong cách sáng tác đa dạng như Nhạc sĩ Lam Phương, từ những ca khúc “bình dân” cho  đến nhạc lính, tình ca, quê hương cho đến dòng nhạc có tính sang cả như các ca khúc: Cỏ Úa, Phút Cuối, Mưa Lệ. Nếu dòng nhạc Lam Phương dễ dàng hòa nhập vào lòng người bởi những ngôn từ đơn sơ, đầy cảm xúc và những giai điệu êm ái trữ tình thì cá nhân người nhạc sĩ tài hoa này cũng dễ dàng chiếm trọn cảm tình mọi giới bằng một nụ cười đôn hậu và một giọng nói nhỏ nhẹ chân tình. Lam Phương được biết tới với các bài nhạc tình thuộc về Nhạc Vàng mà ông đã sáng tác, trong đó gồm có Tình Bơ Vơ, Kiếp Nghèo trong số rất nhiều ca khúc khác.

Danh từ “nhạc vàng” xuất hiện tại miền Nam Việt Nam ở vùng do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát vào những năm 1960. Vào cuối thập niên đó nhạc sĩ Phó Quốc Lân cho ra mắt ban “Nhạc Vàng” thuộc đài truyền hình Sài Gòn để trình tấu định kỳ. Ông là tác giả những bản nhạc như “Xuân Ly Hương”, “Hương Lúa Miền Nam”, “Anh Tôi” (nói về người lính Cộng Hòa), “Mong Ngày Anh Về”, “Vui Khúc Tương Phùng”.

Những hãng phát hành băng và đĩa nhạc cũng cho ra nhiều sản phẩm với danh hiệu “nhạc vàng” như hãng Hương Giang, hãng Dạ Lan của nhạc sĩ Anh Bằng, và hãng Shotguns của Ngọc Chánh.  Nhạc vàng sau đó được hiểu là thể loại nhạc tình êm dịu có tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi hoặc có nỗi lòng riêng tư của lính chiến mặc dù đang gánh trách nhiệm với đại cuộc.

Cho đến năm 1975, dòng nhạc này phổ biến ở Miền Nam. Sau năm 1975 danh từ “Nhạc Vàng” được dùng cho tất cả những tác phẩm âm nhạc ở miền Nam ra đời trong thời kỳ đất nước chia đôi. Và dòng nhạc này bị cấm trên các phương tiện truyền thông. Cũng như những đề mục văn hóa khác ở miền Nam, âm nhạc Miền Nam bị gán thêm cái nhãn hiệu chính trị là “nhạc phản động” hoặc “đồi trụy” vì “ru ngủ”, không thể hiện được con người xã hội chủ nghĩa lý tưởng. Kết quả là nhiều sản phẩm văn hóa trong đó có băng cassette, đĩa nhạc cùng những bài vở ghi chép nhạc vàng bị đốt.

Dù vậy Nhạc Vàng vẫn được nhiều người ưa thích cả trong Nam lẫn ngoài Bắc vì nói lên được tình cảm cá nhân không gò buộc vào tập thể. “Nhạc Vàng” do đó hàm ý vàng của quý kim mà người nghe phải lén lút để nghe vì nó cho người nghe cái tâm trạng “riêng” của con người trong khi xã hội chỉ cho phép cái ý thức hệ chung của tập thể.

Dù phải nghe trộm qua những buổi phát thanh của VOA hoặc BBC từ hải ngoại, người trong nước vẫn cố gắng tìm nghe bất chấp hình phạt của luật pháp. Có thể nói nhạc vàng vẫn tiếp tục chiếm địa vị quan trọng trên thị trường âm nhạc, và được dân chúng trong nước Việt Nam ưa chuộng hơn.

Đối với người Việt hải ngoại, nhạc vàng trở thành một dòng nhạc chủ đạo trong thị hiếu người nghe nhạc. Các ca khúc với chủ đề Lính, người tiêu biểu nhất là Trần Thiện Thanh, vốn cũng là một ca sĩ với nghệ danh Nhật Trường, ông đã sáng tác và tự trình diễn nhiều bài hát về hình ảnh người lính Việt Nam Cộng hòa như: Biển Mặn, Chiều Trên Phá Tam Giang, Hoa Trinh Nữ, Rừng Lá Thấp, Tâm Sự Người Lính Trẻ, Tình Thư Của Lính… Một số ca khúc khác của ông cũng rất phổ biến như Chiếc Áo Bà Ba, Khi Người Yêu Tôi Khóc, Gặp Nhau Làm Ngơ, Mùa Đông Của Anh.

Một tác giả viết về lính khác là Trúc Phương, ông có một số lượng sáng tác gần 70 bài hát, được biết đến từ những năm cuối thập niên 1950 và được phổ biến nhiều trong suốt thập niên 1960 và sau này tại hải ngoại như: Nửa Đêm Ngoài Phố, Buồn Trong Kỷ Niệm, Thói Đời, Hai Lối Mộng, Kẻ Ở Miền Xa. Ca khúc Tàu Đêm Năm Cũ bất hủ của ông được viết vào đầu thập niên 1960, tặng cho những người sĩ quan phải đi xa nhà, vì lúc đó chính quyền Ngô Đình Diệm có sắc lệnh hoán chuyển công tác sĩ quan, công chức miền Nam ra miền Trung và ngược lại.

Giọng ca tiêu biểu của nhạc vàng, đầu tiên có thể kể đến Duy Khánh. Tiếp theo là ca sĩ Chế Linh, cũng là tác giả của ca khúc Đêm buồn tỉnh lẻ. Các giọng ca nữ có Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hoàng Oanh. Cùng với các nhạc sĩ, các ca sĩ này cũng góp phần định hình dòng nhạc vàng với cách hát khác hẳn các ca sĩ của nhạc tiền chiến hay tình khúc 1954-1975.

Và ngày nay tại hải ngoại, tiêu biểu của nhạc vàng có thể kể đến là Tuấn vũ, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh, Ðan Nguyên, giọng nữ là Như Quỳnh, Mỹ Huyền, Băng Tâm…

 Thúy Vi / SBTN

Categories